Ba món làm nên danh tiếng ẩm thực Đà Lạt
Thực khách không nên bỏ qua miếng xíu mại có vị béo ngậy, chiếc bánh căn thơm nức hay vị khác lạ của biến tấu bánh ướt lòng gà.
Ba món làm nên danh tiếng ẩm thực Đà Lạt
Một trong những niềm vui của du khách khi đến Đà Lạt là được thưởng thức nhiều món ngon trong tiết trời mát mẻ. Từ nhà hàng đến quán xá bình dân đều tấp nập thực khách. Dưới đây là 3 món ăn bạn không thể bỏ qua khi dừng chân tại đây.
Bánh mì xíu mại
Món ăn đơn giản gồm một chén nước dùng trong veo với vài viên xíu mại bên trong, kèm theo chút hành lá. Chậm rãi đưa miếng bánh mì đã chấm nước xíu mại vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị nhẹ nhàng, béo thơm của thịt được ướp kỹ.
Xíu mại có độ dẻo dai, nêm nếm vừa phải, hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.
Ngoài các quán ngoài cổng chợ, trường học, bạn có thể đến hẻm số 1, đường Thông Thiên Học hay ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu để thưởng thức món ăn. Giá của một phần bánh mì xíu mại dao động từ 10.000 đồng.
Bánh ướt lòng gà
Nếu như ở miền xuôi, món bánh ướt được ăn kèm với chả, nem hay bánh tôm thì trên cao nguyên này, món được biến tấu với thịt và lòng gà. Sự kết hợp giữa miếng bánh dẻo mềm với thịt gà thơm ngọt, vị dai dai của lòng gà khiến cho món ăn trở nên lạ miệng.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận trước vị dẻo thơm của bánh ướt, vị ngọt từ miếng thịt, lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm.
Chính nhờ sự khéo léo và bản chất phóng khoáng của người dân ở đây mà món ăn trở nên đặc biệt dù cách chế biến không mấy kỳ công. Giá cho một phần dao động từ 35.000 đồng.
Bánh căn
Cái thú vui khi thưởng thức món này chính là chọn chỗ ngồi gần chiếc lò đúc. Bánh được người chủ khéo léo đổ với nhiều loại nhân khác nhau như tôm, thịt, trứng. Khi vừa chín tới, bánh có màu vàng cháy xém, mùi thơm nức.
Điều làm nên hương vị thơm ngon của món ăn đó là nước chấm, gồm nước mắm pha với mỡ hành và không thể thiếu vị cay của ớt hoặc sa tế. Nhiều nơi còn cho thêm viên xíu mại béo lừ vào chén nước chấm tạo sự khác lạ níu chân thực khách.
Chẳng ai có thể quên được vị giòn giòn sựt sựt của chiếc bánh căn đã nhiều năm gắn liền không chỉ với người dân Đà Lạt mà còn cả du khách khi đến đây.
Không có nhận xét nào