Hơn 70 năm tồn tại, nhà thờ Con Gà là công trình kiến trúc Pháp thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm khi đến thành phố ngàn hoa.
Vẻ đẹp của nhà thờ Con Gà – kiến trúc Pháp lớn nhất ở Đà Lạt
Nhà thờ Con Gà khởi công xây dựng từ năm 1931 và được hoàn thành vào năm 1942. Với lối kiến trúc theo trường phái Roman, nơi đây là một trong số kiến trúc Pháp lâu đời nhất còn sót lại tại Đà Lạt. Nhà thờ được xây theo hình chữ thập, dài 65 mét, cao 47 mét. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được xây đối xứng. Với độ cao này, từ tháp chuông của nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố.
Tên chính thức của công trình là Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicôla Bari hay Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Sở dĩ, nơi này lại được nhiều người gọi là Nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh cao nhất của công trình có tượng một con gà bằng đồng cao 66 cm. Theo kinh Tân Ước, đây là biểu tượng cho sự sám hối.
Bên trong gồm 3 không gian chính: một gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ hai bên. Các hệ thống cột chống được thiết kế đối xứng, nối với nhau bởi những hình vòm.
Tượng Chúa và cây thánh giá ngay trung tâm của nhà thờ.
Một trong hai gian nhỏ là nơi để ca đoàn biểu diễn vào những ngày lễ hoặc dịp đặc biệt.
Ngoài các bức phù điêu được gắn trên các mảng tường, khách tham quan còn được dịp quan sát những khung cửa sổ nhiều màu sắc, các vật dụng trang trí được một xưởng ở Pháp chế tạo.
Toàn bộ chi tiết trên các mặt phẳng đứng đều theo nguyên gốc của các kiểu mẫu ở châu Âu. Những cánh cửa gỗ có màu nâu trầm này cũng là nơi được nhiều người dừng lại chụp ảnh lưu niệm.
Ở sân vườn bên hông nhà thờ có một tượng Đức mẹ nép mình dưới những tán thông xanh. Nhiều người dân địa phương thường đến đây để dâng hoa và cầu nguyện.
Không có nhận xét nào